Những khó khăn mà một người mới bắt đầu dựng phim gặp phải sẽ khác với những khó khăn mà một người dựng phim chuyên nghiệp gặp phải.
Nếu bạn là người mới bắt đầu tiếp xúc với việc dựng phim, rất có thể bạn sẽ rất muốn biết làm thế nào để làm chủ NLE của mình, từ cách thiết lập một workflow hiệu quả đến việc sử dụng các setup cần thiết khi xuất file. Tất cả những điều đó đều quan trọng, nhưng có một số thứ khác mà nếu không biết, bạn sẽ khó lòng tiến xa trong ngành này. Bài viết dưới đây từ editor Justin Odisho sẽ chỉ ra cho bạn 5 trong số đó.
Tôi không thực sự biết bạn là ai, nhưng khi tôi mới bắt đầu dựng các video đầu tiên, tất cả những thứ tôi muốn là là bắt chước các tác phẩm của những người mà tôi ngưỡng mộ. Mỗi sự chuyển tiếp ngọt ngào, những hiệu ứng trong video, tốc độ thay đổi… bất cứ thứ gì. Tôi muốn trở thành chuyên gia trong tất cả những việc đó. Tôi xem các tutorial trên kênh Video Copilot của Andrew Cramer hàng giờ liền và cố để có thể xử lý những thứ mà tôi nghĩ rằng sẽ khiến bản dựng của tôi trông hay ho hơn. Nhưng cuối cùng, khi nhìn lại những gì tôi đã làm, tôi đã vô cùng thất vọng bởi những thứ tôi làm được không như những gì mình kỳ vọng.
Tôi đã tuân thủ tất cả các bước được hướng dẫn, vậy thì tại sao sản phẩm của tôi lại không được như những gì tôi đã thấy trong video hướng dẫn? Tôi đã làm gì sai? Well, câu trả lời rất đơn giản: tôi đã học làm sao để dựng phim cho ngầu nhưng tôi không học làm sao để dựng phim cho hay.
Đây là trọng tâm những gì mà Odisho đã nói trong video của anh và là những gì bạn không dành thời gian để học, bởi vì, thành thực mà nói, chủ đề này khá là nặng nề và buồn chán. Mặc dù vậy, 5 lời khuyên mà Odisho là hết sức quan trọng để hiểu để bạn không chỉ trở thành một người dựng phim giỏi mà còn giúp bạn giữ được sự tích cực và niềm đam mê của mình.
Nó có thể là những thiết đặt có sẵn
Sự thật là, rất nhiều các hiệu ứng cool ngầu mà bạn thấy trong video là các preset (các thiết đặt có sẵn) mà bạn có thể dễ dàng lấy được trên internet. Nhưng đó không phải là vấn đề chính. Vấn đề là đừng bao giờ để mình bị thất vọng khi thấy một video hay ho và tự tin rằng ‘ôi, mình chẳng bao giờ làm được như vậy’. Đầu tiên, bạn cần nhớ, là bạn có thể, và thứ hai, rất nhiều hiệu ứng không thực sự cao cấp và phức tạp như bạn nghĩ. Vậy nên, hãy dành thời gian để khám phá sự khác nhau giữa các preset, học cách sử dụng chúng và cho phép mình, không một chút ngại ngần, biết mọi thứ về dựng phim.
Dựng là thứ mà bạn không nhìn thấy
Nếu bạn giống tôi, thứ đầu tiên bạn bị thu hút bởi dựng phim là bởi một số video hết sức tuyệt vời và giàu năng lượng, nơi các footage bị thao túng theo những cách rất kinh hoàng. Tôi hiểu – kiểu dựng phim như vậy là hết sức thu hút, nhưng dựng phim không phải lúc nào cũng cần dùng đến những chuyển đổi phức tạp và những hiệu ứng màu mè đến vậy. Hầu hết thời gian, bạn chỉ làm việc với những cut thông dụng, nhưng những cut thông dụng đó lại là thứ khiến các footage kết hợp với nhau để (hy vọng) tạo nên một câu chuyện bằng hình ảnh đẹp và có ý nghĩa. Và tất cả những việc đó hầu như là vô hình, đó là một điều tốt.
Bạn không thể xử lý mọi thứ trong hậu kỳ
Thật dễ dàng bị rơi vào tình trạng mấy anh quay phim tặc lưỡi nói: ‘thôi để chỉnh trong hậu kỳ’, nhưng không. Rất nhiều người làm phim và người dựng phim gặp phải lỗi này vì họ: thứ nhất: đánh giá quá thấp sức mạnh của các cộng cụ sản xuất, thứ 2: đánh giá quá cao sức mạnh của các công cụ trong hậu kỳ, và thứ 3: lười biếng. Cách để giải quyết vấn đề này là hiểu về thiết bị của bạn, cũng như thông thạo về khả năng của NLE. Hiểu về những thứ mà bạn có thể và không thể làm trong hậu kỳ, như là chỉnh màu cho những hình ảnh thiếu sáng hoặc xử lý tạp âm cho các footage có audio tệ.
Nhận được rác thì cũng chỉ cho ra rác được mà thôi
Món quà tuyệt vời nhất mà những người làm phim có thể dành tặng cho người dựng phim là các footage đẹp, chất lượng cao và âm thanh tốt, bởi chất lượng của sản phẩm cuối cùng tuỳ thuộc vào nguyên liệu đầu vào. Nếu bạn nhận được footage noise, thiếu sáng, bạn sẽ không thể cho ra một thành phẩm đẹp đẽ dù đã cố hết sức để khử noise và tăng độ sáng. Vậy nên, nếu bạn là người vừa quay vừa dựng cho project, bạn hãy làm mọi thứ có thể để ghi lại những hình ảnh đẹp và âm thanh tốt.
Không phải lúc nào bạn cùng cần tuân thủ các quy tắc dựng truyền thống
Thật ra thì cũng không hẳn như tiêu đề của phần này. Điều tôi muốn nói là mỗi project cần áp dụng phương pháp dựng khác nhau. Nếu bạn dựng him điện ảnh, bạn có thể tiếp cận theo cách chuẩn hơn. Còn nếu bạn dựng các video ngắn, MV, hay video cho social media, bạn có thể sẽ muốn dùng đến các phương pháp dựng phi truyền thống. Dựng phim là kết chuyển, có rất nhiều cách để kể các câu chuyện.
Nguồn: No Film School
Pixel Factory sưu tầm và biên dịch