Hotline: +84 904277233

Nhập mã EVN2024 để được giảm25% OFF ngay cho các sản phẩm

HomeColor GradingCÁCH ĐỌC VÀ SỬ DỤNG 4 LOẠI VIDEO SCOPE CƠ BẢN

CÁCH ĐỌC VÀ SỬ DỤNG 4 LOẠI VIDEO SCOPE CƠ BẢN

Khi chỉnh màu, điều quan trọng là phải đánh giá tín hiệu video một cách chính xác. Bạn cần biết được liệu rằng bạn có phá hỏng các mảng màu đen trong một cảnh quay đêm hay không, bạn có làm hỏng màu trắng của mây trời hay làm lệnh độ bão hoà trên màu sắc của logo khiến nó trở nên không chính xác hay không. Màn hình của bạn có thể không phải là màn hình chuẩn màu, do đó không thể tin cậy được, và mắt của bạn cũng tự động điều chỉnh cho phù hợp với từng hình ảnh nhất định, vậy nên chúng ta cũng không thể tin tưởng chúng.

Nhưng chúng ta có thể tin tưởng vào các scope. Scope không bao giờ nói dối chúng ta. Tuy nhiên, chúng có thể khá đáng sợ, nếu bạn chưa bao giờ học cách diễn giải thông tin từ chúng. Nếu bạn bị tăng huyết áp khi liều lĩnh mở scope trong phần mềm dựng phim, thì bài viết này sẽ giúp bạn trị chứng bệnh đó.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nhắc tới những loại scope thường được sử dụng nhiều nhất – các Waveform scope (RGB, Luma, YC và RGB Parade), các Vector Scope, Histogram – và xem xét các ứng dụng thực tế của chúng.

Waveform Scope
Sử dụng waveform scope, bạn có thể thấy cách bố trí các vùng sáng và vùng tối trong hình ảnh. Như tên gọi, nó cho thấy độ sáng của hình ảnh dưới dạng sóng. Nếu bạn dựng HD, màu đen là 0 và màu trắng là 100. Giá trị nhỏ hơn 0 nằm phía bên dưới của scope sẽ bị cắt bớt, vì vậy, bạn muốn cấp độ nằm trong khoảng từ 0-100. Điều này chỉ đúng cho video SDR (Standard Dynamic Range). Với chuẩn Ultra HD, High Dynamic Range, giá trị của màu trắng có thể lên đến 10 000.

Đây là một shot thiếu sáng cùng waveform của nó. Mức sáng tối đa ở vùng sáng nhất chỉ ở mức 80 trên scope. Phần sáng nhất trong shot này là những đám mây, vì vậy, điều này có nghĩa là mây không có màu trắng hoàn toàn. Phần tối nhất nằm mức 5 trên scope, điều này có nghĩa là không có vùng nào trên hình có màu đen thực sự. Đây thực sự là thông tin tốt khi chúng ta cần chỉnh sửa độ phơi sáng.

Hình 1: Waveform Scope của một shot thiếu sáng

Bằng cách tăng độ trắng, giảm nhẹ các màu đen và làm cho các midtone sáng lên đáng kể, chúng ta có thể sử dụng toàn bộ dynamic range của hình ảnh. Trong hình 2, chúng ta sẽ thấy các vùng sáng nhất, các đám mây, tăng lên 100 sau khi chỉnh lại shot, nhưng không quá 100. Điều này có nghĩa là chúng ta không cắt bỏ vùng trắng, nhưng các đám mây sẽ có màu trắng chuẩn. Ngoài ra, các vùng đen được chỉnh xuống thấp hơn, với những vùng tối gần chạm mức 0.

Nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa shot này trước và sau khi được chỉnh sửa là mid-tone và phần bóng được trải rộng ra một phạm vi lớn hơn, khiến độ tương phản tăng lên và các chi tiết mà trước đây chúng ta không thể thấy nay đã xuất hiện. Không phải hình ảnh nào cũng cần nằm tuyệt đối chính xác trong khoảng từ 0 đến 100. Đây là cả một nghệ thuật. Nhưng đây là một bước tiến to lớn trong quá trình chỉnh màu.

Trái là trái, phải là là phải
OK, giờ thì các phần sáng nhất xuất hiện ở vùng phía trên của waveform, và các vùng tối nằm ở phía dưới. Nhưng các vùng bên trái, bên phải và ở giữa của waveform cho biết điều gì? Phần bên trái của scope hiển thị các điểm ảnh ở bên trái của hình ảnh và phần bên trái hiển thị các pixel ở bên phải của hình ảnh.

Waveform lấy mỗi lát-pixel-thẳng-đứng của hình ảnh và đưa nó lên sơ đồ sáng tối (từ thấp đến cao). Đó là lý do không có dấu hiệu của màu trắng trong phần phía trên bên trái của waveform. 1/5 hình ảnh nằm bên trái hầu như không có bầu trời và vậy nên không có giá trị nào nằm ở mức 90-100 trên scope. Nhưng phần 4/5 của hình ảnh nằm bên phải có chưa những đám mây trắng, vậy nên bạn có thể thấy giá trị trên scope chạm ngưỡng 100.

Dưới đây là một số hình ảnh cho thấy cách phân phối các pixel sáng và tối từ trái qua phải trong waveform scope.

Hình 3: scope cho thấy rất nhiều pixel có màu tối nằm phía bên phải, một số pixel màu sáng nằm ở giữa, phần bên trái chủ yếu là midtone.

Hình 4: Scope cho thấy các pixel tối ở cả hai bên, midtone ở vùng giữa và một vùng sáng hẹp nằm phía bên trái của phần giữa. Bạn có thể chỉ ra vị trí bóng của người đàn ông trên scope không?

Hình 5: Scope cho thấy rất nhiều vùng tối hoặc gần tối trong toàn bộ hình ảnh, và một vùng nhỏ với các điểm ảnh có độ sáng cao nằm bên phải vùng giữa.


Hình 6: Scope cho thấy có rất nhiều pixel tối màu trong toàn bộ hình ảnh, một số có độ sáng cao hơn nhưng vẫn khá tối, cũng được phân bổ đều trên hình.

Bên trên không phải là bên trên
OK, vậy là chúng ta đã thấy rõ những gì nằm bên trái và bên phải của hình ảnh được thể hiện trên Waveform Scope như thế nào. Nhưng phần phía trên của scope không hề thể hiện phần trên của hình ảnh. Nó thể hiện những điểm ảnh có độ sáng cao nhất. Vậy nên, các phần phía trên của waveform dưới đây là những đám mây rất sáng. Tôi đã đánh dấu các khu vực tương ứng giữa scope và hình ảnh, để bạn dễ theo dõi.


Hình 7: Các phần nằm phía trên cùng của waveform cho thấy những điểm ảnh sáng nhất


Hình 8: Khu vực phía bên trái có nhiều điểm ảnh tối bởi nó là hình ảnh của một bức tường tối của nhà thờ. Khu vực phía bên phải có nhiều điểm ảnh ở midtone là hình ảnh bầu trời xanh (cùng các phần của bãi cỏ xanh bên dưới).

Bạn sẽ mất một chút thời gian để học cách đọc scope một cách nhanh chóng, nhưng khi bạn kéo thanh trượt, di chuyển các đường cong và điểu chỉnh các bánh xe màu (color wheel), bạn sẽ thấy waveform thay đổi theo những điều chỉnh của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ lập tức nhận ra bạn đang nhìn vào những điểm ảnh nào trên scope.

Nếu bạn chỉnh màu cho truyền hình, hãy đảm bảo rằng độ sáng của hình ảnh nằm trong khoảng từ 0-100. Giá trị dưới 0 và trên 100 có thể khiến cho chương trình của bạn bị từ chối bởi quá trình kiểm soát chất lượng của nhiều đài truyền hình.

Cho đến nay, chúng tôi đã dùng waveform scope với tín hiệu màu (chroma) bị tắt. Với các lớp phủ tín hiệu màu, bạn khó mà thấy được cấp độ thực tế.


Hình 9: YC Waveform Scope cho chúng ta thấy chroma signal (màu xanh dương) như một lớp phủ trên luminance signal (màu xanh lá)

Có thể bạn hiếm khi sử dụng các lớp phủ chroma, bởi bạn sẽ dùng Vector Scope để đánh giá mức độ màu của hình ảnh.

Waveform RGB Scope
Waveform Scope chỉ hiển thị các giá trị về độ sáng chứ không cho chúng ta biết thông tin về màu sắc. Waveform RGB Scope cho chúng ta biết thông tin về ba màu cơ bản tạo nên hình ảnh của video cùng một lúc. Hãy xem 3 hình ảnh dưới đây, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì.


Hình 10: Ở hình này, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng các điểm ảnh tôi nằm phía bên phải có mức màu xanh là cao hơn màu đỏ và xanh dương. Và khu vực với các điểm ảnh có độ sáng cao nằm ở giữa chủ yếu có màu xanh dương, pha một chút xanh lá và rất ít màu đỏ. Bạn có thể thấy rõ ràng trên waveform.


Hình 11: Chúng ta có thể thấy rằng hình ảnh này có nhiều màu xanh dương và màu xanh lá hơn màu đỏ. Các điểm ảnh màu xanh dương và xanh lá có cùng độ sáng, tạo ra một vùng màu xanh cyan phía trên vùng màu đỏ trong scope.


Hình 12: RGB Waveform cho thấy rõ ràng những vùng tối nhất là khá trung tính, tạo ra một dải trắng ở dưới cùng của waveform. Ngoài ra, nó cũng chỉ ra rằng các điểm ảnh sáng nhất thường là màu đỏ, màu xanh lá ít hơn và ít nhất là màu xanh dương – trên hình, ta có thể thấy rõ ràng là màu cam.

RGB Waveform rất hữu dụng khi bạn muốn làm cho hình ảnh của mình trở nên trung lập hơn. Trong 2 hình ảnh dưới đậy, bạn sẽ thấy ngọn hải đăng có màu hơi ấm, với dải màu đó, xanh lá cây và xanh dương trong RGB Waveform Scope. Việc làm cho bức tường trở nên trung tính khá là dễ, chỉ cần bạn chỉnh Temperature và Tint với các công cụ color correction cho đến khi ba dải màu chồng lên nhau, và màu trắng xuất hiện trong scope.


Hình 13: Dải màu đỏ, xanh lá và xanh dương cho thấy ba màu phân bổ không đồng đều.

Hình 14: Khi các dải chồng lên nhau và hiển thị dưới dạng màu trắng, màu của bức tường trở nên trung tính.

RGB Parade
Đôi lúc, khá rối rắm khi thấy cả ba màu trong một scope. Đó là lý do chúng ra có RGB Parade, cho thấy waveform của 3 màu cạnh nhau, thay vì phía chồng lên nhau.

Hình 15: Vẫn là hình ảnh hải đăng như ở trên, và lần này chúng ta xem xét RGB Parade Scope, chúng ta vẫn có thể thấy rõ ràng các vùng highlight có nhiều màu đỏ và xanh lá hơn là màu xanh dương, vậy nên hình ảnh trông tương đối ấm áp. Chúng ta cũng có thế thấy rằng các midtone có nhiều màu xanh dương hơn là màu xanh lá và màu đỏ, khiến cho bầu trời có màu blue-cyan.

Hình 16: Sau khi chỉnh màu, chúng ta có thể thấy vùng highlight đã khá cân bằng, khiến cho hình ảnh trung tính hơn và midtone có nhiều màu xanh dương hơn và ít màu đỏ hơn, khiến cho bầu trời xanh hơn.

RGB Parade dễ dàng trở thành scope yêu thích của tôi. Nó là một trong những scope quan trọng nhất trong workflow của tôi. Tôi thực sự thích việc nó tương thích tốt với RGB Curves, vốn là công cụ color correction ưa thích của tôi.

Trong hình ảnh ngọn hải đăng, ta có thể thấy rõ khi nhìn vào RGB Parade, rằng ta cần đẩy tone đỏ xuống rất nhiều, xuống thấp hơn màu xanh lá một chút, và tăng màu xanh dương lên. Vậy nên tôi làm vậy, xem RGB Parade khi tôi kéo lên điểm cao hơn trên mỗi curve. Việc hiệu chỉnh có thể diễn ra một cách nhanh chóng theo cách đó, bởi vì việc điều chỉnh curve màu xanh dương chỉ ảnh hưởng đến waveform màu xanh dương, điều chỉnh curve màu đỏ chỉ ảnh hưởng đến waveform của màu đỏ…

Hình 17: Khi điều chỉnh các RGB Curve, cần phải tăng màu xanh dương, hạ màu xanh lá và màu đỏ. Ảnh này được chụp màn hình từ Lumetri Color Panel trong Premiere Pro.

Làm việc theo cách này rất trực quan. Bạn nghĩ “cần hạ màu đỏ xuống”, vậy nên bạn kéo phần trền của curve màu đỏ xuống. Bạn nghĩ, cần nhiều màu xanh trong phần shadow hơn, và bạn kéo phần dưới của curve xanh dương lên. Không có gì dễ hơn.

Khi chỉnh màu, bạn sẽ dùng các Waveform scope để xác định vị trí của các vùng shadow và highlight trong hình một cách chính xác, nhưng bạn sẽ vẫn phải xác định midtone bằng mắt thường.

Liệu rằng, có đúng là các scope không bao giờ nói dối hay không?
Để tiết kiệm tài nguyên máy tính, một số NLE cho phép bạn kẹp tín hiệu đi vào scope. Điều này không ảnh hưởng gì đến output, nó chỉ giới hạn những thứ bạn nhìn thấy trong scope.

Hình 18: Chế độ kẹp tín hiệu (Clamp signal) trong Lumetri Scopes panel của Premiere Pro.

Kẹp tín hiệu đi vào scope có nghĩa là bạn sẽ không thấy các phần bị dư sáng quá mức hoặc thiếu sáng quá mức trong scope. Hai hình ảnh bên dưới sẽ cho bạn thấy sự khác biệt.

Hình 19: Khi tắt chế độ Clamp signal. Chúng ta thấy rằng có rất nhiều màu đỏ và một ít màu xanh lá nằm ở trên mức 100. Vậy nên chúng ta biết rằng có một số chi tiết sẽ bị cắt bớt, và chúng ta phải hạ các giá trị xuống dưới 100 để đưa những chi tiết này vào khu vực có thể nhìn thấy.

Hình 20: Chế độ Clamp signal đang được bật. Giờ thì tất cả các giá trị màu đỏ và xanh lá trên 100 đều đã bị cắt bỏ trong scope. Điều này cho chúng ta biết rằng đã có sự cắt xén, nhưng chúng ta không biết gì hết về cấp độ của các giá trị đã bị cắt bỏ và chúng ta cũng không biết liệu rằng có thông tin nào cần lưu trữ hay không.

Tôi khuyên bạn đừng bao giờ kẹp tín hiệu trong Luma Waveform Scope. Nếu NLE của bạn cũng có tuỳ chọn để hiện thị các scope trong 8-bit hoặc float (là 32-bit), thì hãy chọn float nếu hệ thống của bạn có thể xử lý được. Điều này sẽ giúp hiển thị các thông tin hình ảnh một cách chính xác nhất.

Histogram
Nếu bạn từng mày mò các cài đặt trên máy quay, hoặc nếu bạn đã từng dùng Photoshop, bạn hẳn đã từng thấy một Histogram. Nó cho bạn thấy sự phân bố của các điểm ảnh sáng và tối trong hình, nhưng nó không nói cho bạn biết những điểm ảnh đó ở đâu. Điều này khiến nó không thực sự hữu ích như các Waveform Scope khi chỉnh màu cho video.

Phía bên trái của Histogram cho thấy các điểm ảnh tối và phía bên phải cho thấy các điểm ảnh sáng nhất. Chiều cao của đường cong cho chúng ta biết số lượng điểm ảnh mà chúng ta có ở mỗi độ sáng.

Hình 21: Histogram trong Photoshop. Hình này cho thấy hình ảnh có nhiều điểm ảnh tối hoặc nằm ở midtone và một đỉnh nhọn nằm phía bên phải cho chúng ta biết ở có một lượng lớn các điểm ảnh rất sáng. Vâng, đó là hình ảnh vịnh Nærøyfjorden ở Na Uy mà chúng ta sẽ thấy ở bên dưới.

Cũng như các Waveform Scope, Histogram chỉ cho chúng ta biết thông tin về độ sáng, hoặc các Histogram riêng biệt cho màu đỏ, xanh lá và xanh dương. Histogram trong một số NLE được chuyển sang ngang nhưng chúng vẫn hoạt động giống như Histogram trong Photoshop. Nếu bạn so sánh sự khác nhau giữa các scope, thì việc chuyển sang ngang có vẻ hữu dụng, bởi giờ chúng ta có các vùng tối nằm bên dưới và vùng sáng nằm bên trên, hệt như trong waveform.

Hình 22: Với các histogram riêng biệt cho màu đỏ, xanh lá và xanh dương, bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hơn về độ sáng của mỗi màu.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy Histogram trong Premiere ở trên cho thấy cấp độ màu đen nhỏ nhất và cấp độ màu trắng cao nhất cho mỗi màu. Điều này cho phép bạn tìm các đỉnh mà có thể bạn không thể thấy trong các Waveform Scope bởi các đỉnh này quá nhỏ nên khó thấy.

Vector Scope
YC Vector Scope là loại scope mà bạn sử dụng để đo lường màu sắc và độ bão hoà màu sắc trong hình ảnh. Khoảng cách từ trung tâm cho biết độ bão hoà của màu sắc như thế nào. Một chấm nhỏ ở trung tâm cho biết đó là một shot đen trắng. Một vết nằm gần xung quanh vòng tròng có nghĩa là màu sắc của bạn đã siêu bão hoà.

Bạn sẽ muốn dùng vector scope khi chỉnh màu da và các màu khác gợi ký ức và để kiểm tra độ bão hoà của màu sắc.


Hình 23: Một hình ảnh có rất ít màu tạo ra một chấm nhỏ ở giữa Vector Scope.

Góc của trace trong Vector Scope cho bạn biết các điểm ảnh trong hình ảnh có màu gì. Scope càng sáng thì góc càng đặc biệt, nhiều điểm màu trong hình ảnh có thể trùng màu với nhau.


Màu 24: Độ bão hoà màu sắc của các bút chì màu khiến cho trace khá rộng và bởi vì có nhiều màu khác nhau, nó trải ra nhiều hướng.

Màu sắc trong colorbar được hiển thị trong các hộp với tên của nó – hoặc được viết tắt. B là xanh dương (blue). R là đỏ (red), YI là màu vàng (Yellow), Cy là Cyan…


Hình 25: Trace từ colorbar sẽ hiển thị các chấm trong các hộp bên trong. 2 chấm không có trong hộp màu là 2 màu ở hàng dưới.

Màu da nên hướng theo đường Skin Tone. Đây là phía trên bên trái của các đường chéo trong Vector Scope.

Hình 26: Màu da nên gần với Skin Tone Line nếu bạn muốn diễn viên trông khoẻ mạnh. Các footage của Sean Fulton và Martin Fotland. Mẫu: Marianne Melau.

Kiểm tra màu sắc của bạn có nằm ở trong vùng bão hoà hợp lý hay không
Các đường mà hầu hết các vector scope có nằm giữa các hộp bên trong cho thấy giới hạn của độ bão hoà “hợp lý”. Nếu trace đi ra ngoài vùng này, màu sắc sẽ bị bão hoà quá mức và vi phạm các tiêu chuẩn phát sóng.

Hình 27: Có nhiều màu vàng trong hình này, do đó Vector Scope sáng theo hướng đó. Vì trace đi ra ngoài các đường nằm giữa các hộp, hình ảnh này sẽ bị các đài truyền hình từ chối. Các màu vàng cần phải được giảm xuống.

Cắt để đo lường chính xác
Một số hình ảnh làm cho trace phải hoạt động rất nhiều trong Vector Scope, và khó để biết được phần nào của hình ảnh được thể hiện ở trace nào. Trong những trường hợp như vậy, cách xử lý là cắt riêng phần hình ảnh mà bạn muốn đo lường màu sắc ra.

Tôi muốn làm cái áo khoác trong hình trở về màu trắng dịu nó vốn có. Nếu bạn không có kinh nghiệm đọc Vector Scope, có thể bạn sẽ không biết cái áo xuất hiện ở đâu trong scope. Hãy cắt bỏ mọi thứ, chỉ chừa lại cái áo thôi, lúc đó bạn sẽ dễ thấy chiếc áo khoác chưa có màu trung tính.

Hình 28: Rất khó để đo lường chính xác màu sắc của một mình cái áo.

Hình 29: Việc cắt bỏ hình ảnh để chỉ còn lại cái áo thôi khiến việc đo lường màu dễ dàng hơn. Chúng ta có thể thấy rằng chiếc áo bị ám màu cam.

Hình 30: Dùng color correction, tôi có thể làm cho blob di chuyển đến trung tâm, đưa cái áo trở về màu trung tính.


Hình 31: Bỏ chế độ crop, bạn sẽ thấy lại toàn bộ hình ảnh. Lúc này, cái áo đã không còn ám cam nữa.

Nếu hiệu ứng crop trong NLE của bạn có tính năng zoom cho phép lấp đầy khung hình với các điểm ảnh còn lại, bạn có thể dùng nó để khiến trace sáng hơn và dễ đọc hơn.

Hình 32: Nếu NLE của bạn có thì hãy bật tính năng zoom trong hiệu ứng Crop lên, để khiến cho trace sáng hơn.

Các Scope khác
Các loại scope mà chúng ta vừa tìm hiểu là những loại quan trọng nhất, và bạn sẽ bắt đầu từ chúng. Nếu bạn chơi với các scope panel trong NLE, bạn sẽ thấy nhiều loại scope hơn nữa. Đây là những loại chuyên biệt và thường được những người làm nhiệm vụ kiểm soát chất lượng sử dụng, hoặc trong một số công việc đặc biệt khác – chứ không phổ biến đối với những người dựng phim và chỉnh màu thông thường.

Tôi hy vọng rằng nỗi sợ scope của bạn đã được chữa khỏi phần nào sau khi đọc xong bài viết này. Scope không có răng, nó không thể cắn bạn, vậy nên hãy thử khám phá chúng và xem cách chúng thay đổi trong khi bạn thực hiện việc chỉnh màu. Điều này sẽ giúp bạn hiểu là bạn đang nhìn cái gì trên scope, và mối liên hệ giữa trace với hình ảnh.

Bằng việc hiểu về scope, khả năng chỉnh màu của bạn sẽ lên đến một cấp độ mới.

Tác giả: Jarle Leirpoll
Pixel Factory sưu tầm và biên dịch

“Đây là bài dịch mình thấy tốt nhất trong các bài dịch trên mạng một số nơi đã chia sẻ. Mạn phép Pixel Factory share bài.”

Tags:
Share: