Hotline: +84 904277233

Nhập mã EVN2024 để được giảm25% OFF ngay cho các sản phẩm

HomeBlogCODEC – PHẦN 6: CHỌN CODEC

CODEC – PHẦN 6: CHỌN CODEC

Sau khi đã tìm hiểu tất cả các yếu tố kỹ thuật của codec, bây giờ, bạn đã có đủ kiến thức để đưa ra quyết định chọn codec của mình.

Các loại codec

Như chúng tôi đã nói từ trước, không có một codec nào tốt cho tất cả mọi giai đoạn của workflow. Nói một cách đơn giản, codec mà bạn dùng trong máy quay sẽ không phải là codec hiển thị trên màn hình của người xem. Các đặc tính và thông số kỹ thuật mà bạn cần cho hai ứng dụng này (và mỗi giai đoạn của quá trình hậu kỳ ở giữa) là hoàn toàn khác nhau. Nếu bạn cố gắng sử dụng một codec cho mọi giai đoạn trong hậu kỳ, bạn sẽ phải hi sinh thứ gì đó trong quá trình thực hiện. Vậy nên, bạn cần phải chọn các loại codec có khả năng giúp cho mỗi giai đoạn trong workflow trở nên dễ dàng nhất có thể, trong khi vẫn duy trì được chất lượng.

Hành trình codec bắt đầu từ máy quay, với codec bạn dùng để ghi lại các cảnh quay. Các codec tốt nhất cho việc capture có bit depth lớn, ít lấy mẫu màu, bit rate cao, và không dùng nén long-GOP (nén hình ảnh theo các nhóm – nén liên khung). Có rất nhiều codec ghi, nhưng để đáp ứng các tiêu chí này thì chỉ có một vài lựa chọn khả thi. Như một quy tắc, bạn sẽ muốn dùng codec tốt nhất để ghi, bởi vì đây chính là nguồn cho tất cả các codec khác mà bạn transcode (chuyển mã) xuống thấp hơn. Bạn luôn có thể chuyển đổi các footage chất lượng cao xuống file có chất lượng thấp hơn, nhưng ngược lại thì không.

Một khi footage được đưa ra khỏi máy quay, bạn cần phải chọn codec để bạn dùng cho quá trình dựng. Việc dựng đòi hỏi tốc độ và tính dễ sử dụng nhiều hơn so với chất lượng hình ảnh, vậy nên tốt nhất là bạn nên transcode các file gốc sang một codec có dung lượng nhỏ hơn. Mặc dù vậy, hãy tránh dùng các codec dùng phương pháp nén long-GOP (như hầu hết các phiên bản của H.264) cho dựng phim. Các codec này cho file nhỏ nhưng máy tính sẽ phải làm việc rất vất vả để render các thông tin này khi bạn xem lướt trên timeline. Việc này có thể làm chậm quá trình dựng đi rất nhiều, vậy nên hãy đảm bảo rằng codec dùng cho dựng phim chỉ dùng các codec nén nội khung (như DNxHD hoặc ProRes). Ngoài ra, không cần ngại nếu máy tính của bạn cần phải dùng một codec có chất lượng thấp hơn để dựng. Chỉ mới cách đây vài năm thôi, kể cả các phim kinh phí lớn của Hollywood cũng được dựng ở 480p. Nó nhanh hơn và dễ hơn. Bên cạnh đó, dù sao thì sau  khi bạn đã khóa bản dựng, bạn cũng sẽ relink lại với các file chất lượng cao hơn, thay thế các file dùng codec dựng có chất lượng thấp.

Sau khi quá trình dựng hoàn tất, bạn sẽ cần một codec cho chỉnh màu và làm VFX. Thường thì bạn có thể dùng file gốc từ máy quay đã được conform vào timeline, đảm bảo là bạn có được chất lượng hình ảnh tốt nhất có thể. Nhưng nếu bạn quyết định dùng một codec riêng cho các quá trình này, bạn sẽ muốn nó có thể bảo toàn được nhiều thông tin hơn cả codec ghi.

Đến khi xuất file, bạn có thể nghĩ rằng một codec lớn lúc nào cũng là tốt hơn. Nhưng trên thực tế, phương tiện phân phối luôn chi phối lựa chọn về codec của bạn. Chúng ta sẽ nói đến vấn đề này sau.

Một khi bạn xuất file cho một mục đích phát cụ thể, bạn sẽ cần phải xuất ở một codec khác để lưu trữ. Vì trong ngành công nghiệp này, phần cứng và phần mềm thường xuyên thay đổi và đôi khi khách hàng yêu cầu video có độ phân giải cao hơn hoặc chất lượng cao hơn nhiều năm sau khi xuất file. Trong những trường hợp như vậy, không phải lúc nào bạn cũng có thể mở file project gốc ra và xuất lại. Vì vậy, bạn cần một codec tốt cho các file lưu trữ. Nó thường có chất lượng cực kỳ cao, với bit rate cao nhất có thể, để bạn có kết quả tốt nhất có thể khi cần transcode trong tương lai. Thường thì việc lưu trữ file lớn sẽ rất có lợi.

Ngoài kia có hàng trăm codec, và đôi khi nó có vẻ ngợp. Bạn sẽ tự hỏi làm thế nào mà bạn biết được đâu là lựa chọn tốt nhất cho dự án của bạn. Mặc dù vậy, có một yếu tố khác cần xem xét khi chọn codec có thể khiến việc lựa chọn trở nên dễ dàng hơn: tính phổ biến của codec. Các codec phổ biến dễ dàng tương thích với máy tính của bạn và máy tính của khách hàng, dù là máy cũ hay máy mới. Ngoài ra, nó cũng có được sự hỗ trợ từ nhiều bên thứ ba. Nếu có vấn đề gì hoặc bạn có thắc mắc gì, bạn cũng dễ nhận được sự giúp đỡ từ hàng ngàn người dùng khác ngoài kia. Khi bạn chọn codec cho mỗi giai đoạn của dự án, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian (và những cơn đau tim) bằng cách sử dụng các codec phổ biến.

Nếu bạn đã sẵn sàng để chọn codec cho dự án của mình, bạn nên tham khảo sự khác nhau giữa các codec. Bạn sẽ biết thêm về sự phổ biến của các codec sẽ xử lý footage của bạn, và giúp bạn quyết định cái nào tốt nhất cho workflow của bạn.

Nói chung, bạn nên nhắm đến codec ghi có chất lượng cao nhất mà máy quay (hoặc ngân sách) của bạn có thể đáp ứng. Khi chúng tôi nói “chất lượng cao nhất”, ý chúng tôi là bạn sẽ muốn ghi nhiều thông tin nhất có thể – ít nén nhất, bit rate cao nhất, bit depth cao nhất, và ít lấy mẫu màu nhất. Bạn càng ghi được càng nhiều thông tin, bạn càng có thể xử lý linh hoạt trong hậu kỳ, đặc biệt là khi chỉnh màu và xử lý VFX.

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn codec

Yếu tố 1: Chi phí

Yếu tố đầu tiên cần xem xét là chi phí. Nói chung, máy quay càng mắc tiền thì càng hỗ trợ codec tốt, nhưng có một số ngoại lệ. Có một số máy quay hỗ trợ các codec tốt ở mức giá hợp lý, như các máy quay của Blackmagic Design hỗ trợ BRAW 12-bit và ProRes 444/422.

Yếu tố 2: Lưu trữ

Yếu tố tiếp theo cần cân nhắc là không gian lưu trữ. Các codec chất lượng cao thường có bit rate cao, tức là cho file lớn. Bạn cần chuẩn bị hệ thống lưu trữ và sao lưu tất cả các dữ liệu đó khi quay. Bạn cũng có thể cần phải nâng cấp thẻ nhớ để có thể ghi được dữ liệu ở bit rate cao.

Nếu bạn quay một mình, bạn có thể chọn một codec có chất lượng thấp hơn, vì như vậy bạn ít phải thay thẻ nhớ hơn và tập trung hơn vào câu chuyện.

Yếu tố số 3: Finishing

Một yếu tố cần phải xem xét nữa là bạn định chỉnh màu và xử lý VFX nhiều đến mức nào (gọi chung là finishing). Nếu bạn không có ý định chỉnh màu nhiều, cũng không làm VFX, thì bạn không cần đến các codec có bit depth cao, chroma subsampling nhiều chút cũng không sao và nén không thành vấn đề, tức là có thể sử dụng các codec ghi chất lượng thấp hơn.

Yếu tố 4: Phần cứng được sử dụng để dựng phim

Yếu tố cuối cùng mà bạn cần xem xét là phần cứng mà bạn sẽ sử dụng để dựng phim, vì hầu hết các codec ghi không phải là codec tốt cho dựng phim, trừ phi máy dựng của bạn có cấu hình cực khủng. H.264 và một số định dạng RAW đòi hỏi CPU và GPU phải thật mạnh mẽ thì quá trình dựng mới có thể diễn ra mượt mà được. Các codec có bit rate cao có thể sẽ đòi hỏi các ổ cứng có tốc độ cao, hoặc các hệ thống lưu trữ chia sẻ (shared storage). Trừ phi bạn chọn codec ghi là một codec thân thiện với dựng phim, nếu không bạn sẽ phải transcode file sang codec khác để quá trình dựng có thể diễn ra mượt mà hơn, và việc này có thể tốn thời gian. Đối với hầu hết mọi người, việc transcode các footage không thành vấn đề bởi vì họ có thể thực hiện nó vào ban đêm hoặc trên một máy tính dự phòng.

Nếu bạn làm việc với một lịch làm việc chặt chẽ, yêu cầu quy vòng nhanh, bạn sẽ có xu hướng muốn chọn một codec cho phép bạn bắt đầu dựng ngay sau khi quay xong, kể cả khi nó có mức chi phí cao hơn hoặc phải hy sinh chất lượng hình ảnh.

Nguồn: Frame.io

Pixel Factory sưu tầm và biên dịch

Tags:
Share: