Hotline: +84 904277233

Nhập mã EVN2024 để được giảm25% OFF ngay cho các sản phẩm

Ngắm nghía sắc màu điện ảnh trong phim của đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu

Được coi là “cây đại cổ thụ” của làng điện ảnh Trung Quốc và thế giới, đạo diễn tài năng Trương Nghệ Mưu đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc và giành được nhiều giải thưởng danh giá.

Vẻ đẹp trong phim điện ảnh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu rất “đa chiều” từ góc nhìn đến nội dung. Đó là những tác phẩm điện ảnh tạo nên sự hòa quyện giữa hình ảnh và kịch bản. Phim của ông chính là bức tranh đa sắc về cuộc sống người dân Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử. Trong đó, nét đẹp bình dị mà vĩ đại của con người được bộc lộ qua từng khung hình và khiến những gam màu về cuộc sống trở nên nổi bật trên màn ảnh rộng. Màu sắc nghệ thuật gây ám ảnh là điểm sáng thu hút khán giả theo dõi và ngẫm nghĩ về những câu chuyện mang tính “hàn lâm” của đạo diễn họ Trương.

“Chuyện Tình Cây Táo Gai” – Màu sắc của một chuyện tình buồn


Chuyện Tình Cây Táo Gai là tác phẩm điện ảnh được sản xuất trong năm 2010 với một cốt truyện nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm sự khắc khoải đau thương. Ở Chuyện Tình Cây Táo Gai, Trương Nghệ Mưu dùng chất màu lạnh để khắc họa bối cảnh đất nước Trung Quốc những năm 1970 trong cuộc đại cách mạng văn hóa. Tông màu tối giản vẽ nên cuộc sống bức bí, ngột ngạt của con người trong thời kỳ mà ước mơ, tự do và tình yêu nam nữ vẫn bị “chèn ép” bởi những quy định, lề lối.

Trong phim, gam màu lạnh ảm đạm tạo nên sự tương phản hoàn hảo với mối quan hệ giữa hai nhân vật chính là Tịnh Thu (Châu Đông Vũ) và Lão Tam (Đậu Kiêu). Tình yêu của họ thật trong sáng, thuần khiết mà cũng rất vụng về, ngây ngô. Điều ấy toát lên từ những cái nắm tay đến từng ánh mắt khi nhìn nhau của hai người.

Sức sống ẩn chứa trong màu vàng của đồng hoa cải khi Tịnh Thu và Lão Tam lần đầu gặp nhau, trong màu đỏ của cây sơn tra chứa chất biết bao kỷ niệm, ghi dấu sự hẹn thề của hai người. Nó còn len lỏi trong màu đỏ như máu in trên chiếc áo Tịnh Thu mang khi tiễn biệt người mình yêu, để khép lại một tình yêu đẹp bị thời đại bóp chết.


Đạo diễn Trương đã vẽ lên một câu chuyện tình đẹp mang màu sắc bi thương và ảm đạm, chất chứa nỗi buồn của một giai đoạn lịch sử. Thế nhưng trong đó còn tồn tại vẻ đẹp của một chuyện tình tinh khiết, đã tỏa sáng và sưởi ấm nỗi đau nơi tâm hồn con người. Tình yêu như đóa hoa sen, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” và nở rộ rực rỡ.

“Hoàng Kim Giáp” – Màu sắc tượng trưng cho quyền lực thấm đẫm bi kịch

Cho đến bây giờ, Hoàng Kim Giáp vẫn được đánh giá là một trong những bom tấn điện ảnh thuộc thể loại cổ trang của Trung Quốc. Phim lần đầu ra mắt vào năm 2006, với sự tham gia của những ngôi sao hàng đầu xứ Trung như Củng Lợi, Châu Nhuận Phát, Châu Kiệt Luân.

Hoàng Kim Giáp xuất hiện đúng như tên gọi của tác phẩm: bóng bẩy, xa hoa, chói lòa từ trang phục đến từng cảnh phim hoàng tráng được đầu tư quy mô, kỹ lưỡng và dữ dội như phim Hollywood của Trương Nghệ Mưu. Qua đó, từng thước phim đưa khán giả đến với một vương triều mục nát và suy đồi cùng những âm mưu chẳng ai có thể đoán trước.

Màu vàng vương giả in đậm trong bối cảnh phim, phảng phất nỗi cô đơn chất chứa tham vọng, mưu đồ phản trắc cùng tội ác của chốn cung đình thâm sâu kế hiểm. Màu vàng dát trên tấm áo choàng của bậc đế vương lạc lõng trong sự nghi ngờ, toan tính và những âm mưu của hoàng tộc; hiện lên trong trang phục của thiên binh vạn tướng đã đấu tranh, hy sinh vô nghĩa vì cuộc chiến quyền lực; là thảm hoa cúc vàng tràn ngập chốn cung đình, rực rỡ mà bi thương, héo úa dần trong dòng máu đỏ thẫm. Tất cả những điều đó đã ám ảnh người xem về tội ác của những con người cùng chung huyết thống.


Hoàng Kim Giáp tràn ngập những điều gây sốc. Nhị hoàng tử (Châu Kiệt Luân) phản bội phụ hoàng (Châu Nhuận Phát), Hoàng thượng đầu độc Hoàng hậu (Củng Lợi), Thái tử (Lưu Diệp) nhu nhược, sẵn sàng xuống tay với những vương tử khác. Một vương triều sụp đổ vì phu thê tuyệt tình, huynh đệ tương tàn.

Bi kịch đẫm máu được dát vàng, gam màu tượng trưng cho sự mê muội quyền lực để rồi chết đi trong sự nguyền rủa, than trách của thiên hạ. Màu vàng của Hoàng Kim Giáp chất chứa sự tang thương và sợ hãi chứ không chỉ hào nhoáng đơn thuần.

“Cao Lương Đỏ” – Màu sắc tượng trưng cho quê hương cùng vẻ đẹp của người phụ nữ


Nhắc đến Trương Nghệ Mưu, hẳn không ai có thể quên được tác phẩm vô cùng xuất sắc của ông mang tên Cao Lương Đỏ. Đây cũng là phim điện ảnh đánh dấu mối lương duyên giữa ông và nữ diễn viên Củng Lợi. Cao Lương Đỏ là câu chuyện về vùng quê Cao Mật nằm tại miền Nam Trung Quốc trong cuộc chiến chống đế quốc Nhật những năm 1920 và 1930.


Với tác phẩm này, Trương Nghệ Mưu đã dùng chất màu ấm đầy sức sống và có tính biểu tượng để diễn tả vẻ đẹp của quê hương, đất nước Trung Quốc và con người. Trong đó, tông màu nổi bật nhất là màu đỏ, màu ấm nóng hiện lên trên khung nền của cánh đồng cao lương. Đây cũng là màu của kiệu hoa, chiếc áo cưới của Cửu Nhi (Củng Lợi) – cô gái trẻ kiên cường luôn khao khát sự yêu thương. Sau khi gặp gỡ Dư Chiêm Ngao (Khương Văn) – người đã cứu Cửu Nhi thoát khỏi bọn cướp – cuộc đời của cô đã có những biến chuyển mạnh mẽ, khác biệt hơn.

Màu đỏ còn trên in trên mảnh đất Cao Mật bao la, rộng lớn; trong ánh hoàng hôn chiều muộn hòa cùng tiếng hát quê hương. Nó cũng tồn tại trong dòng máu chảy xuống của những con người thôn quê yêu nước, dũng cảm đứng lên chiến đấu và rồi hy sinh vì hòa bình của dân tộc.

Màu đỏ chính là màu của tình yêu nam nữ ẩn trong tình yêu quê hương. Chất màu quý giá, có giá trị nhân văn cao cả ấy đã được Trương Nghệ Mưu sử dụng một cách tài tình, khéo léo để “tô” vào khung cảnh điện ảnh giàu tính nghệ thuật. Màu đỏ đó sẽ in mãi trong suốt thời lượng chín mươi phút của phim và trong tâm trí của những ai đã từng xem tác phẩm xuất sắc này.

“Đường Về Nhà” – Màu sắc bình dị của cuộc sống nơi thôn quê


Có thể nói, Đường Về Nhà (Cha Mẹ Tôi) là minh chứng xuất sắc nhất cho màn phối màu điện ảnh đầy tính biểu tượng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Màu sắc chính là một trong yếu tố chính làm nổi bật nội dung đầy ẩn ý và ý nghĩa mà đạo diễn họ Trương muốn gửi đến khán giả trong tác phẩm này.

Câu chuyện được kể xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại. Hiện tại hiện lên với những khung hình trắng đen còn quá khứ lại chìm trong biển màu sắc bắt mắt. Đường Về Nhà là bức tranh về một miền quê hẻo lánh, thưa dân trong tiết trời giá lạnh, phim bắt đầu với những khung hình chỉ có màu trắng và màu đen để diễn tả sự bi thương cùng nỗi đau của sự mất mát khi người cha ra đi, người mẹ đến tiễn biệt và muốn đưa di thể chồng từ huyện về làng.


Thế rồi màn ảnh như sống lại, tràn ngập màu sắc khi diễn biến phim trở về thời quá khứ, lúc nhân vật người mẹ vẫn là một thiếu nữ thuần khiết (Chương Tử Di thủ vai). Vào thời điểm ấy, bà nảy sinh tình cảm với người thầy giáo trẻ (cũng là người cha) ở làng quê thanh bình.


Tình yêu trong sáng, bình dị của được “vẽ” lên một cách sống động, giàu cảm xúc với những gam màu đẹp đẽ, tươi tắn. Tình yêu ấy ẩn hiện ở chiếc khăn len đỏ bay giữa trời xuân tràn ngập ánh sáng, khi cô gái nhỏ chạy từng bước để đưa cơm cho người trong mộng; trong màu trắng của tuyết khi người thiếu nữ đi tìm người yêu rồi bị xỉu giữa đường.

Con đường quê giàu màu sắc của thiên nhiên đã chứng kiến một tình yêu đẹp, tinh khiết của những con người chân chất, thật thà nơi miền quê cũ. Con đường rực rỡ ấy lại dần đưa người xem về với hiện tại cùng tông màu tối giản để đưa người cha trở về nhà.


Chỉ có màu đen và trắng biểu trưng cho sự tang thương, giá lạnh nhưng câu chuyện mà phim điện ảnh Đường Về Nhà muốn truyền tải lại rất ấm áp bởi tình người. Khung cảnh kết thúc trong sự cảm động khi những học trò cũ của người quá cố tình nguyện khiêng quan tài cho thầy giáo trở về nhà, người mẹ dùng số tiền mình dành dụm để đóng góp xây trường mới và điều ước của bà. Giữa màn sương tuyết lạnh lẽo, bà hy vọng có thể được ở bên ông sau khi qua đời.

“Thập Diện Mai Phục” – Màu sắc của yêu và hận đan xen


Thập Diện Mai Phục là một tuyệt tác được đạo diễn Trương Nghệ Mưu ra mắt vào năm 2004. Tác phẩm điện ảnh này tràn ngập màu sắc của thiên nhiên, con người và cảm xúc hòa quyện vào nhau tạo nên một câu chuyện tình lãng mạn và kịch tính.

Giữa muôn trùng vây của hận và tình, giữa âm mưu và chính nghĩa, Trương Nghệ Mưu đã mang đến một câu chuyện trong khoảng thời gian ba ngày với những biến hóa nội tâm sâu sắc giữa nữ chính Tiểu Muội (Chương Tử Di) cùng hai chàng trai là Tùy Phong (Kim Thành Vũ)Lưu bộ đầu (Lưu Đức Hoa). Khi ấy, các nhân vật đều bước qua những hận thù, toan tính để hiểu được tình yêu là gì.


Thập Diện Mai Phục mang đến một bữa tiệc màu sắc với những gam màu rực rỡ, uyển chuyển trong điệu múa của Tiểu Muội; là rừng trúc xanh thẳm xì xào tiếng gió và trùng điệp những màn giao đấu; là màu vàng của rừng cây mùa thu và màu trắng của bông tuyết.


Cuộc hành trình ngắn ngủi đã giúp các nhân vật đã bước qua những mảng màu tuyệt đẹp trong bức tranh bốn mùa đa sắc với một vở kịch thật giả lẫn lộn để tìm thấy một bến bờ, một tình yêu đích thực; nơi “cơn gió” sẽ ngừng thổi để con người ta tìm thấy chân trời bình yên.


Trong sự rực rỡ về màu sắc hòa, tiếng nhạc và trùng điệp âm mưu ấy là sự giao thoa giữa văn hóa, tình yêu và cuộc sống. Trong tình yêu, mọi hận thù hay ân oán dường như bị thiêu rụi, chỉ còn lại là sự đấu tranh, khao khát vì một chữ “tình”. Không bất ngờ khi Thập Diện Mai Phục đã mang đến thành công cả về mặt doanh thu lẫn nghệ thuật cho đạo diễn Trương.

Bài viết sưu tầm